Trò chơi lấy cốt truyện xoay quanh cuộc chiến của 8 chiến binh người Celt với 10 vị thần hùng mạnh đang gieo rắc diệt vong đến nhân loại. Trải nghiệm game gợi nhiều cảm giác quen thuộc từ Diablo III trong khám phá và soulslike trong hệ thống chiến đấu. Thế nhưng, nhà phát triển Clever Beans chưa tạo được dấu ấn riêng ngoài việc sử dụng yếu tố roguelike trong thiết kế game.
Trải nghiệm Gods Will Fall mở đầu với lời dẫn truyện đi vào lòng đất khi giọng người kể dường như phù hợp với thể loại kinh dị, rùng rợn hơn. Trò chơi lấy bối cảnh các vị thần cai trị nhân gian trong thời gian dài, buộc con người phải phục dịch như nô lệ nếu không muốn nhận cái chết tàn nhẫn. Không chịu nổi những kẻ tàn bạo nói trên, một nhóm chiến binh đã đột kích lên đảo cư ngụ của các vị thần và thách đấu, quyết mang về cuộc sống yên bình cho nhân loại. Sứ mệnh này thành công hay thất bại hoàn toàn do người chơi quyết định.
Gods Will Fall khiến tôi ngạc nhiên khi lần đầu điều khiển party đến 8 chiến binh. Tuy nhiên, bạn chỉ được chọn một nhân vật khi tiếp cận hang động mà các vị thần cư ngụ. Về cơ bản, party của người chơi tuy đông nhưng được phát sinh ngẫu nhiên trong mỗi lần chơi với tên và chỉ số nhân vật khác nhau. Mỗi nhân vật lại có chỉ số ngẫu nhiên cùng vũ khí đặc trưng. Người chơi thu thập trang bị và vật phẩm thông qua tiêu diệt kẻ thù trong các hang động và thách thần ‘mày biết tao là ai không?’. Mô tả tưởng giống nhưng rất khác Hades.
Mỗi vị thần tuy không thay đổi kỹ năng chiến đấu, nhưng HP và khả năng gây sát thương thì khác biệt mỗi lần đối mặt trong trải nghiệm Gods Will Fall. Cùng một vị thần nhưng lần chơi trước dễ, trong khi lần chơi sau đó thử thách hơn bội phần và ngược lại. Người chơi chỉ biết khả năng thực chiến của vị thần đó một khi bạn “thanh tẩy” hang động và đối mặt với chúng. Tương tự, nhân vật điều khiển tuy khả năng chiến đấu cơ bản cũng mang nhiều yếu tố ngẫu nhiên do thiết kế đặc trưng, khiến việc lựa chọn cũng không hề đơn giản.
Chẳng hạn khi bạn tiếp cận hang ổ của vị thần, một trong các nhân vật điều khiển có thể bất ngờ hé lộ nỗi sợ hãi hoặc mối hận cá nhân với vị thần kể trên, dẫn đến nhân vật đó bị giảm và tăng chỉ số tương ứng. Không những vậy, phần thưởng trong từng trường hợp cũng thay đổi tỷ lệ nghịch với lựa chọn nhân vật nói trên cho màn chơi. Cụ thể, nhân vật sợ hãi bị giảm chỉ số sẽ nhận thưởng hậu hĩnh hơn khi đại thắng và sống sót ra khỏi hang, trong khi nhân vật có tư thù với vị thần đó được tăng chỉ số thì ngược lại.
Đây kỳ thực chỉ là một lớp thiết lập độ khó phụ trong trải nghiệm Gods Will Fall dành cho những ai yêu thích thử thách. Tuy nhiên, nếu bạn thất bại và không vượt qua các thử thách trong hang động, nhân vật được cử đi mắc kẹt hoặc bị thiệt mạng và chỉ được giải cứu khi nhân vật khác kết liễu vị thần ở hang động đó. Nói dễ hơn làm. Bởi lẽ nếu không cẩn thận, kẻ thù tép riu trong những hang động cũng dễ dàng tiễn bạn lên đường trong vài nốt nhạc. Chiến đấu đòi hỏi người chơi phải vận dụng nhuần nhuyễn kỹ năng cản đòn (parry).
Tương tự tăng, giảm chỉ số nhân vật dựa trên mối hận thù và nỗi sợ hãi với vị thần kể trên, mỗi nhân vật cũng có những mối quan hệ cá nhân tạo nên yếu tố câu chuyện kể khá thú vị. Nếu người chơi để một nhân vật mất mạng hoặc mắc kẹt trong màn chơi vì “quay đầu xe” khỏi hang động, nhân vật khác có thể bất ngờ tiết lộ họ mang món nợ ân tình với nhân vật đó và háo hức tình nguyện giải cứu. Ban đầu tôi cũng có chút ngạc nhiên, nhưng sau vài lần thì cảm thấy câu chuyện ân oán này xưa như trái đất khi được mang ra kể lại hoài.
Đáng chú ý, người chơi cũng có thể mất nhân vật vĩnh viễn trong Gods Will Fall khi trúng đòn kết liễu của kẻ thù. Đòn tấn công này nổi bật với quầng ánh sáng đỏ chói lóa và trong trường hợp này, nhân vật không có cách nào hồi sinh. Đó là cảm giác vô cùng “thốn” mà người viết từng gặp phải khi sơ ý mất đi nhân vật mạnh nhất trong party. Trải nghiệm kết thúc nếu người chơi để “bay màu” cả đội hình. Khi đó, bạn phải chơi lại từ đầu với 8 nhân vật và độ khó của mỗi màn cũng được phát sinh ngẫu nhiên hoàn toàn mới.
Ở góc độ người chơi, đây là điểm trừ lớn nhất của Gods Will Fall nói riêng và phần lớn các game xây dựng dựa trên yếu tố roguelike nói chung. Do độ khó mỗi hang ổ của các vị thần được phát sinh ngẫu nhiên sau mỗi lần chơi mới và không theo thứ tự nhất định, người chơi buộc phải đánh cược vào “nhân phẩm” của bản thân để biết tính thử thách của màn chơi đó ra sao. Trò chơi cũng không có gợi ý nên nếu xui xẻo dấn thân liên tục vào những hang động có mức độ thử thách cao, cái kết như thế nào chắc tôi cũng không cần mô tả.
Bù lại, trải nghiệm Gods Will Fall hào hứng nhất là những trận đánh boss, nhưng dễ để lại cảm nhận khá trái chiều vì thiết kế khuyến khích bạn khám phá màn chơi và tiêu diệt kẻ thù nhiều nhất có thể. Đầu mỗi màn luôn thể hiện HP của vị thần và chỉ số này giảm dần tùy vào số lượng kẻ thù bị tiêu diệt trong hang động đó. Thanh máu này càng nhiều thì màn chơi càng thử thách, không chỉ vị thần cuối màn mà cả đám tay sai. Tuy chúng chỉ là tép riu nhưng cũng không phải dạng vừa đâu, chưa kể cạm bẫy môi trường xuất hiện khắp nơi.
Không ít cái bẫy bất ngờ còn đến từ góc khuất camera cố định khiến nhân vật rơi xuống vực vô cùng ức chế. Đáng chú ý, nhân vật có nhiều cách hồi máu. Từ dùng vật phẩm, gây sát thương cho kẻ thù đến áp dụng cản đòn (parry) rồi phản công. Cản đòn thành công giúp tích lũy “máu nóng” tự hồi máu nhân vật. Vấn đề ở chỗ, “máu nóng” chỉ có thể kích hoạt khi nhân vật điều khiển mất một lượng HP nhất định. Mặt khác, “máu nóng” cũng không duy trì cố định mà tự cạn dần lúc không chiến đấu hoặc khi bạn để nhân vật trúng đòn của kẻ thù.
Song song với parry, kỹ năng né tránh cũng rất quan trọng trong trải nghiệm chiến đấu. Kỳ thực, hai kỹ năng này chính là chìa khóa dẫn đến thắng trận dù là đánh boss hay kẻ thù thông thường. Né tránh đúng khoảnh khắc khiến kẻ thù bị tê liệt trong một nốt nhạc, vừa tạo nên lượng “máu nóng” cho nhân vật hồi máu vừa là cơ hội để bạn phản công nhanh. Nút né tránh còn đóng vai trò khác trong chiến đấu nhưng nếu không cẩn thận, kỹ năng này dễ trở thành con dao hai lưỡi khiến người chơi tự đẩy nhân vật vào thế bất lợi khi bị trúng đòn.
Khía cạnh nghe nhìn của Gods Will Fall cũng để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều. Trò chơi sở hữu đồ họa khá đẹp, đặc biệt là kiến thiết thế giới. Tuy nhiên, có không ít màn chơi mang cảm giác thiết kế hao hao nhau có lẽ do thuật toán thiếu đa dạng, trong khi trò chơi cũng không có bản đồ hay chỉ dẫn gì giúp bạn dễ dò đường đi nước bước. Kết hợp cùng tính đặc trưng của yếu tố roguelike, vô tình biến trải nghiệm game trở nên bất nhất về độ khó và để lại cảm giác ức chế khó tránh khỏi. Nhạc nền chưa tạo được hứng khởi.
Một điều mà tôi không thể không đề cập là cảm giác điều khiển. Trải nghiệm Gods Will Fall không trực quan với người chơi PC điều khiển bằng chuột và bàn phím. Bạn phải dùng tay cầm. Thế nhưng, điều này không được đề cập trong mô tả lẫn trong game của bản PC. Phím bấm không thể tùy biến, cộng với tốc độ di chuyển lề mề của nhân vật điều khiển và độ thử thách cao, biến trải nghiệm với bàn phím gần như là nhiệm vụ bất khả thi chứ không thể chơi cố như Mages of Mystralia. Đã vậy, trò chơi cũng không có hệ thống khóa mục tiêu tấn công.
Sau cuối, Gods Will Fall mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động khám phá hang động để lại cảm nhận khá trái chiều trong từng khía cạnh, trải dài từ nghe nhìn đến các cơ chế gameplay. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm rất dễ nặng cảm giác lặp lại, nhưng kỳ thực không phải do người chơi có xu hướng chọn điều khiển nhân vật yêu thích thay vì thử qua nhiều nhân vật khác nhau trong từng màn chơi. Đây không phải trải nghiệm game dành cho tất cả. Bạn có thể rất thích trò chơi vì những điểm trừ của nó và ngược lại.
Gods Will Fall hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Post a Comment
Post a Comment