Từ những chiến binh Tokugawa trung thành đến người sáng lập Kunoichi đều trở thành cảm hứng sáng tác cho các mangaka.
Vì các ninja thường hành động bí mật và việc chiến đấu mặt đối mặt chỉ được họ dùng đến trong trường hợp thực sự cần thiết nên tên tuổi và những hành động của họ ít được sử sách lưu lại. Mặc dù vậy, nhiều ninja đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật và văn học của Nhật Bản.
Dưới đây là 4 ninja huyền thoại xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách, truyện và anime:
1. Hanzo Hattori
Hattori Hanzo được coi ninja nổi tiếng nhất sống vào nửa cuối thế kỷ XVI. Tầm chiến lược quân sự và sự dũng cảm trên chiến trường đã mang lại cho ông cái tên Oni no Hanzo, tiếng Nhật có nghĩa là Quỷ dữ Hanzo.
Vào năm 1582, khi bạo chúa Nobunaga Oda qua đời, trong tình cảnh hỗn loạn đó, Hanzo đã chỉ huy 300 ninja khác cứu được Tokugawa Ieyasu – người về sau trở thành người sáng lập và cũng là tướng quân đầu tiên của mạc phủ Tokugawa khỏi một cuộc phản loạn. Về sau, ông còn giúp Tokugawa Ieyasu khôi phục lại gia tộc vốn đã lụi tàn trong cuộc tranh đấu với các gia tộc đối thủ. Tuy nhiên trong quá trình làm việc dưới trướng Tokugawa, Hanzo nổi tiếng với biệt danh “Quỷ bán tạng” vì sự tàn ác khi làm nhiệm vụ.
2. Kotaro Fuma
Fuma Kotaro là thủ lĩnh của Bộ tộc Fuma - một nhóm nhỏ các nhẫn giả hoạt động độc lập ở vùng Kanagawa. Với khả năng đánh lừa thị giác và sử dụng lửa trong chiến trận, Kotaro còn có cái tên "Hỏa chủ". Dưới thời đại của Kotaro, quân đội của ông có cái tên khác là Rappa, nghĩa là "Những kẻ đặt dấu chấm hết cho mọi trận chiến". Các Rappa thiện chiến tới mức nhiều trận chiến của họ đã được ghi vào lịch sử.
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng về Fuma Kotaro chính là trận chiến giữa vị nhẫn giả nửa người nửa quỷ này với ninja vĩ đại và nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào Hanzo Hattori. Có thể nói, tên tuổi của Fuma Kotaro đã trở thành một huyền thoại với hai danh hiệu "Phong quỷ" và "Hỏa chủ" - biến ông trở thành nguồn cảm hứng vĩ đại cho rất nhiều văn hóa phẩm Nhật Bản về sau.
3. Sasuke Sarutobi
Sarutobi Sasuke là một nhân vật quan trọng trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Vì vậy, trong nhiều manga, tiểu thuyết, anime, sách, trò chơi tên của ông được trích dẫn hoặc nhân vật của ông được miêu tả một cách nào đó.
Sarutobi Sasuke là cái tên mà nhiều người tin rằng ông thực sự tồn tại, và nhiều thành tựu của ông trong cuốn sách là có thật. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng nhân vật này chỉ được lấy cảm hứng từ một tiểu thuyết dựa trên một ninja từ Thời Minh Trị, đó là Kozuki Sasuke.
Vì vậy, không thể chắc chắn Sarutobi Sasuke có thực sự tồn tại hay không. Nhưng dù thế nào cái tên Sarutobi Sasuke đã đạt được giá trị lớn và tầm quan trọng cho thế giới ninja và cho cả văn hóa Nhật Bản.
4. Chiyome Mochizuki
Nếu như Hattori Hanzo, bậc thầy về nhẫn thuật, một võ tướng oai dũng dưới chướng Tokugawa cuối thời Sengoku, là ninja vĩ đại nhất thuộc cánh mày râu thì Mochizuki Chiyome là nữ ninja vĩ đại nhất của xứ sở hoa anh đào.
Tương truyền, Mochizuki Chiyome vốn xuất thân từ tầng lớp quý tộc, bà là vợ của lãnh chúa, Samurai tài giỏi Mochizuki Nobumas (người được cho là xuất thân từ gia tộc Ninja huyền thoại Koga).
Năm 1575, Mochizuki bắt đầu sự nghiệp Kunoichi của mình khi đứng ra tuyển mộ 1 đội quân ninja nữ hùng mạnh, bao gồm trẻ mồ côi, phụ nữ đến geisha, nạn nhân chiến tranh... Tất cả đều được Mochizuki đào tạo, huấn luyện mọi kỹ năng cần thiết như nhẫn thuật, cải trang, cách săn tin tình báo cần có ở 1 người con gái... Kết quả, bà đã thu nhận và lãnh đạo 1 đội quân "nữ điệp viên" lớn và vô cùng trung thành, số lượng lên tới 200-300 người, ai cũng có thể làm nhiệm vụ ám sát chỉ với 1 chiếc kẹp tóc hay trâm cài.
Tổng hợp
Post a Comment
Post a Comment